Vo My Linh

Võ Mỹ Linh

Võ Mỹ Linh là tất cả những gì ngược lại với tiêu chuẩn nổi tiếng trên mạng xã hội thời hiện đại.

đề cử we choice awards

  • Bình chọn 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2014 0

Võ Mỹ Linh là tất cả những gì ngược lại với tiêu chuẩn nổi tiếng trên mạng xã hội thời hiện đại. 

 

Không phải là “phượt thủ” nhưng là cô gái truyền cảm hứng cho rất nhiều “phượt thủ”. Không phải là người giỏi tiếng Anh nhưng lại đang điều hành một dự án phổ cập tiếng Anh với hệ thống đang được nhân rộng khắp cả nước. Không sở hữu những bảng vàng thành tích cho bản thân thậm chí tự nhận là rất “dốt” nhưng có gái này lại có nhiều thành tích đóng góp cho xã hội đáng để bàn.

Trước Võ Mỹ Linh, bạn có thể nghĩ rằng, để nổi tiếng cần phải xinh, cần phải ăn mặc đẹp, cần phải có chút chiêu trò. Nhưng sau Võ Mỹ Linh, bạn có thể biết thêm rằng: Người ta đơn thuần chỉ cần một câu chuyện đủ hay, và những ý tưởng mới mẻ là đủ để thu hút những người trẻ khác. 

 

 

“Điều quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu tiền, mà là bạn muốn sống một cuộc sống thế nào”

 

Một ngày đẹp trời, chỉ vì nhìn vết lõm trên chiếc ghế của chị trưởng phòng, Linh quyết định bỏ công việc lương cao để đi du lịch vì không muốn cuộc đời cũng tẻ nhạt như sếp của cô. Với số tiền 2000$ để chi trả cho việc ăn ở trong vòng nửa năm, đó không phải là nhiều ngay cả với những nước Nam Á như Ấn Độ, Nepal. Quan điểm của Linh rất đơn giản: “Với 2000$ đó, bạn có thể xài trong vòng 2 tiếng đồng hồ nếu lượn vào một shop đồ hàng hiệu, bạn có thể xài trong 2 ngày nếu ăn sơn hào hải vị, ngủ trong khách sạn 5 sao, hoặc có thể xài được trong 2 tuần nếu bạn du lịch theo kiểu check in ngắm cảnh ở một nước Châu Âu. Nhưng cũng với 2000$ đó, bạn có thể sống nửa năm ở nước ngoài, thực hiện những chuyến phiêu lưu đầy thú vị, giúp đỡ trẻ em nghèo, đi học thiền, học yoga, học tiếng Anh và học hỏi những điều hay từ người dân nước bạn như tôi. Điều quan trọng không phải là bạn có bao nhiêu tiền, mà điều quan trọng là bạn muốn sống một cuộc sống thế nào.”

 

Sau cơn bão tuyết lịch sử xảy ra ở dãy Himalaya khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, 20 người mất tích trong tổng số 168 nhà leo núi, Linh chống chọi được với bão tuyết trong tình trạng không có người dẫn đường, không thuê người mang vác hành lý. Trong đêm bão tuyết, cô còn nhường túi ngủ và giúp đỡ những bạn đường khác vượt qua cơn nguy kịch. Sống sót trở về, Linh chia sẻ bằng sự khiêm tốn của mình: “Với tôi, leo lên một đỉnh núi, chưa chắc bạn đã là người con gái mạnh mẽ, vượt qua những ngọn đồi cũng chẳng chứng tỏ bạn dẻo dai. Những người phụ nữ ở nhà, chịu đựng chồng con, vất vả sớm hôm quanh cái nhà nhỏ để lo cho gia đình họ, tôi nghĩ họ mạnh mẽ và dẻo dai hơn nhiều.

 

Tự đặt trách nhiệm lên vai mình

 

Bỗng chốc trở nên nổi tiếng nhờ câu chuyện sống sót của mình, tiếng nói bé nhỏ của Linh dần được chú ý. Cô gái này bắt đầu ý thức được ảnh hưởng của mỗi lời mình nói ra và nghĩ đến những thứ xa xôi hơn. Nếu người ta đang lắng nghe, tại sao bạn không nhân cơ hội đó để truyền tải những quan điểm và triết lý của mình về cuộc sống? Tại sao bạn không lên tiếng cho những gì bạn thấy chưa hài lòng? Vậy là Linh lên tiếng. Lần đó, Linh đăng tải bức thư gửi bộ trưởng bộ giáo dục. Với lời lẽ thuyết phục, Linh tạo ra cả một làn sóng tranh luận trên Facebook về cách dạy và học tiếng Anh.

 

Bức thư của Linh đã không chỉ nổi tiếng trên Facebook. Sức ảnh hưởng của nó vượt qua các rào cản và đến tay những giáo sư, nhà báo và cả nguyên Phó Thủ Tướng. Nhà báo Lê Thanh Phong đã nhận xét: “Lá thư của Mỹ Linh gây sự chú ý của cộng đồng, không phải vì nó gây “sốc” theo kiểu bà Tưng, mà có sự lôi cuốn vì cái đẹp chứa đựng bên trong. Ở đây, chỉ xin nói đến trách nhiệm công dân của Linh. Một cô gái trẻ, đi du lịch, dành thời gian tìm hiểu sách giáo khoa dạy tiếng Anh của nước khác, suy nghĩ, tìm ra cái hay, cái khác biệt, cái tiến bộ của họ so với sách của nước mình rồi gửi thư cho người có trách nhiệm cao nhất, đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, đề xuất thay đổi sách giáo khoa.

 

Có rất nhiều người có kiến thức sư phạm và giỏi tiếng Anh hơn Mỹ Linh, nhưng không mấy ai làm như Mỹ Linh. Bởi ai cũng nghĩ đó không phải là việc của mình. Ai cũng có thể lên tiếng về lòng yêu nước, nhưng sự thờ ơ với đất nước vẫn tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau trong mỗi cá nhân. Chỉ có điều chúng ta không nhận ra mà thôi.”

 

Dự án Volunteer House và triết lý “Đừng đi chỉ để ngắm cảnh và check-in”

Linh nói, khi đi, cô dốt tiếng Anh vô cùng. Thế nên chuyến đi của Linh còn thêm mục đích thực hành tiếng Anh. Và bây giờ trở về, cô quan tâm hơn đến việc, làm sao trẻ em Việt Nam được tiếp cận với Anh ngữ để không chịu thiệt thòi so với bạn bè thế giới. Đó chính là lý do cô bắt tay thực hiện dự án Volunteer House. Với dự án này, khách du lịch có thể đến ở miễn phí ở những căn nhà trống của Volunteer House, nhưng sẽ đổi công lại bằng việc đến trường dạy tiếng anh cho trẻ em hoặc ra đồng làm việc với nông dân. Thông điệp Mỹ Linh muốn lan truyền rất giản dị: “Đừng đi du lịch chỉ để ngắm cảnh và check in”.

 

Hiện, dự án đã chạy thí điểm thành công ở TP.HCM và Hà Nội, sắp tới sẽ tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh thành trên cả nước. Đã có rất rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng dự án này của Linh, đồng nghĩa với việc tiếng Anh và những điều tốt lành sẽ đến gần hơn với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi nơi. Và đó là điều tuyệt vời nhất mà cô gái bé nhỏ cùng chuyến đi phi thường của mình đã làm được cho chúng ta và cuộc sống xung quanh mình.

 

bình luận

Thông tin

  • Năm sinh: 25/04/1989
  • Quê quán: Thừa Thiên – Huế
  • Thành tích: • Từng là phóng viên tạp chí giải trí và chuyên viên ngân hàng • Từng xuất bản 10 tập sách in chung và sắp ra mắt tiểu thuyết “Bên kia đồi” • Top 30 tác giả có truyện ngắn hay của Yume.vn (2011);

các đề cử khác