Hội đồng thẩm định

Hội đồng thẩm định gồm những nhân vật có tiếng nói trong lĩnh vực giải trí, xã hội, truyền thông... đã đưa ra những sự lựa chọn của mình.

  • Nhà báo

    xuân ba

  • Tiến sĩ, nhà báo

    Vũ Công Lập

  • Doanh nhân

    lê quốc vinh

  • Nhà báo

    đặng tâm chánh

  • Nhà báo

    Chu minh vũ

  • Nhà báo

    xuân ba

    Tên thật của ông là Trịnh Huyên. Sinh năm 1955 tại Làng Lon Biện Thượng, Thanh Hóa (nay là thôn Việt Yên, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, TP Thanh Hóa). Ông tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp năm 1976. Năm 1977, ông chính thức nhận giấy mời làm việc của Báo Tiền Phong. Từ đó, nhà báo Xuân Ba là cái tên gắn tiền với báo Tiền Phong.

    Hiện tại, ông là trưởng ban Phóng sự báo Tiền Phong. Ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998. Đến nay, ông đã cho ra đời 9 tác phẩm in thành sách. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm nổi tiếng: “Mọi linh hồn đều được đưa tiễn”, “Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt”, “Chuyện buồn kể muộn”, “Thời chưa xa, người chưa cũ”, “Hỏa Lò tò mò ký”, "Những cự ly thương mến"...

    Không ít người ví nhà báo Xuân Ba là Vũ Trọng Phụng trong thể loại phóng sự. Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã viết về giới chức lãnh đạo cao cấp. Tác phẩm báo chí ông viết lôi cuốn người đọc bởi ông biết chọn những chi tiết “đắt”, nhẩn nha từng chi tiết ngoài lề để truyền tải thông điệp lớn đằng sau là cách hành văn đắt giá khiến người ta luôn nhận ra văn của ông trước các tác phẩm khác.

    Xuân Ba là nhà văn đi tìm những vấn đề có sức nặng. Tác phẩm của ông thường là hai loại công việc: viết cho cơ quan và viết cho riêng mình. Là một cây bút lớn trong làng báo, ông thường được gọi đi nước ngoài với các nguyên thủ quốc gia. Cũng là tốt, để nắm bắt những việc lớn của đất nước. Còn một dòng chính, ông lặng lẽ, tìm hiểu, chiêm nghiệm, viết cho riêng mình. Ông đi nhiều, viết nhiều, cả trong nước và nước ngoài. Ông viết về thân phận của những người thấp kém trong xã hội cho tới những nhân vật nổi tiếng, các quan chức chính trường.

  • Tiến sĩ, nhà báo

    vũ công lập

    Đã ngoài 70 tuổi nhưng Tiến sĩ và là một nhà khoa học, người sáng lập - phát triển ngành Vật lý Y Sinh học ở Việt Nam nhưng Tiến sĩ Vũ Công Lập lại được biết đến nhiều hơn trên khía cạnh một cây bút sắc sảo về thể thao và một bình luận viên hóm hỉnh nhưng uyên bác trên truyền hình. Tình yêu cuồng nhiệt với bóng đá và thể thao như một động lực giúp Tiến sĩ Vũ Công Lập “lao vào công việc” với tốc độ mà lớp trẻ không thể theo kịp.

    Ông tâm sự: “Bóng đá Việt Nam là máu thịt của tôi. Tôi không thể sống thiếu sân cỏ Việt Nam, cầu thủ Việt Nam. Tôi thường xuyên ra sân xem bóng đá, chứ không thể chỉ nằm nhà xem tivi hay đọc báo. Bóng đá Việt Nam có thể hay, dở, thậm chí có cả tiêu cực, nhưng tất cả đều là chính mình. Không thể không có".

    “Chuyên môn của tôi là Vật lý - Y- Sinh học, một ngành khoa học mới, dựa trên cơ sở liên ngành, giao ngành của nhiều ngành khoa học truyền thống riêng lẻ. Chúng tôi tìm cách ứng dụng những thành tựu của vật lý và kỹ thuật trong sinh học và y học. Cộng với niềm đam mê thể thao, tôi đọc và nghiên cứu nhiều về doping, chấn thương thể thao, vật lý trị liệu và phục hồi trong thể thao.

    Nơi tôi làm việc là Viện Vật lý - Y - Sinh học, thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Bộ Quốc phòng. Tôi đi bộ đội từ năm 1969, đã kinh qua cả Trường Lục quân, Trường Pháo binh, các học viện và viện nghiên cứu. Hiện, Viện chúng tôi đã nghiên cứu chế tạo được hầu hết thiết bị vật lý trị liệu, đã xây dựng được vật lý y sinh như một ngành khoa học hoàn chỉnh, và đang tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học cũng như tham gia nhiều chương trình nghiên cứu của Nhà nước”, ông Lập chia sẻ về công việc chuyên môn mà mình theo đuổi.

    Là một nhà báo "tay ngang" nhưng tiến sĩ Vũ Công Lập đã từng tác nghiệp ở nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup 2006, Olympic 2008, World Cup nữ 2011, rồi ASIAD, SEA Games. Với phong cách rất đặc biệt khi xuất hiện trên truyền hình giọng ông lúc nào cũng sang sảng đến chói tai. Nhưng chẳng hiểu sao, cái giọng nói ấy lại đầy truyền cảm, cuộn sóng và trào dâng, mê hoặc tạo ra sự thích thú với những câu chuyện sâu sắc, đầy tính khoa học được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp cứ như một công trình nghiên cứu.

  • Doanh nhân

    lê quốc vinh

    Ông Lê Quốc Vinh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation – (Tập đoàn Truyền thông Lê) với 3 công ty thành viên gồm: Công ty Le Media, Công ty Le Bros, và Công ty Vietnam CEO Corporation. Cả 3 công ty đều được đánh giá là những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, truyền thông, marketing, quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện. Trong đó, Công ty Le Bros – thành viên của Tập đoàn Truyền thông Lê – được thành lập năm 2002 và hiện là một trong những công ty marketing, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện lớn nhất Việt Nam.

    Năm 2012, Le Bros gia nhập và là thành viên của Worldwide Partners Inc. – mạng lưới toàn cầu các công ty quảng cáo độc lập. Sở hữu 5 tạp chí lớn hàng đầu VN: Đẹp, Doanh nhân, Stuff Vietnam, Thể thao Văn hóa và Đàn Ông, Autocar Vietnam. Ông Lê Quốc Vinh còn là thành viên sáng lập và đồng sở hữu Công ty Fansipan Media Corporation, chủ đầu tư và điều hành trực tiếp kênh truyền hình Giải Trí TV.

  • Nhà báo

    đặng tâm chánh

    Nhà báo Đặng Tâm Chánh sinh năm 1967, quê ở Bến Tre, từng làm việc ở báo Tuổi Trẻ. Sau đó, ông chuyển sang làm việc và trở thành Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị.

    Nói về giải thưởng We Choice Awards, nhà báo Tâm Chánh thẳng thắn chia sẻ: "Truyền thông nên thúc đẩy các giải thưởng để giúp định hướng cho một phạm vi nào đó của giới trẻ, We choice Awards là giải thưởng tích cực nếu làm được như thế".

    Tuy nhiên, nhà báo cũng thẳng thắn góp ý, những giải thưởng như thế này nên đưa nhiều lĩnh vực hơn để người ta dễ lựa chọn vì một nhân vật trong lĩnh vực tin học và 1 danh hài thì rất khó so sánh nhưng sức ảnh hưởng xã hội thì chưa chắc ai hơn ai.

  • Nhà báo

    chu minh vũ

    Chu Minh Vũ sinh năm 1979, tại Bắc Ninh và tham gia viết báo từ thời còn là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Dược Hà Nội. Với niềm đam mê âm nhạc và viết lách, nhà báo Chu Minh Vũ tham gia cộng tác cho nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng thời điểm đó. Ngòi bút sắc sảo và không ngừng sáng tạo đã nhanh chóng đưa anh trở thành một trong những cây bút chủ lực của báo Sinh Viên Việt Nam khi anh trở thành phóng viên Âm nhạc của tờ báo này. Nhiều bài báo, bài phân tích chất lượng của Chu Minh Vũ nhận được sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt từ độc giả. Thời điểm sau này, Chu Minh Vũ nổi tiếng như một nhà báo âm nhạc thuộc top hàng đầu Việt Nam.

    Bên cạnh công việc viết báo, nhà báo Chu Minh Vũ còn được mời làm VJ chương trình Đối thoại với người nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, anh còn liên tục nhận được lời mời làm khách mời cho nhiều chương trình bình luận về âm nhac, giải trí Việt Nam trong các show truyền hình hay bài viết trên các tờ báo. Tốt nghiệp ĐH Dược, lại làm báo, sau đó, anh còn được biết đến với vai trò biên kịch “Con Đường âm nhạc” - chương trình từng gây được ấn tượng tốt với khán giả yêu nhạc bởi tính nghệ thuật mà nó mang đến.

    Gần đây nhất, nhà báo Chu Minh Vũ tham gia vào ekip sản xuất Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện này đã trở thành một trong những tiêu điểm trong năm 2014 của làng âm nhạc Việt Nam.