“Vua lý thuyết và chuyên gia thất bại”
Ngay khi VFF công bố chính thức chọn Toshiya Miura làm HLV trưởng ĐTVN, chỉ cần vài thao tác trên mạng, tiểu sử của vị HLV người Nhật đã được báo chí khai thác triệt để. Rất nhiều vị chuyên gia bóng đá ngay lập tức đăng đàn hoài nghi về khả năng của ông thầy người Nhật, một người chưa từng làm cầu thủ chuyên nghiệp, không những thế lại có bản lý lịch hết sức khiêm tốn khi cầm quân. Ông Miura không tồn tại ở CLB nào quá 2 năm, thường xuyên bị sa thải, và tỷ lệ giành chiến thắng chỉ là 24%. Người hâm mộ vì thế hoài nghi và có đôi chút thất vọng khi VFF ký hợp đồng với vị HLV trẻ này.
Buổi họp báo ra mắt của ông Miura vì thế diễn ra trong không khí khá căng thẳng, với những câu hỏi nghi vấn về kinh nghiệm, trình độ, thậm chí còn có cả phóng viên e ngại dáng vẻ thư sinh của ông Miura không phù hợp để làm HLV bóng đá.
Nhưng cũng chính buổi họp báo ấy, trước áp lực của giới truyền thông, ông Miura đã thể hiện được chất đặc biệt của mình.
“Tôi rất tự tin vào bản thân mình, bởi ở Nhật Bản, chỉ có khoảng 10 HLV cầm quân trên 400 trận, và trong đó có tôi.” – Đó là phát biểu đầu tiên của ông Miura trong buổi họp báo ra mắt.
Ngay sau đó, vị HLV sinh năm 1963 này tiếp tục cho thấy những cái nhìn từ vẻ ngoài qua sơ yếu lý lịch hay vóc dáng chỉ là vô nghĩa. Ông Miura khiến những ngôi sao như Công Vinh, Tấn Tài… phải trầm trồ ngạc nhiên khi tham gia chạy bộ cùng cầu thủ lúc khởi động. Việc ấy tiếp tục lặp lại thành thói quen cho đến bây giờ chứ không phải chỉ là “tập mẫu”.
Bước chạy đầu tiên ấy, cũng giống như một thông điệp nói lên rằng ông Miura không chỉ là “vua lý thuyết” mà còn là một con người rất thực tế.
Bí ẩn và chuyên nghiệp
Nếu như những bước chạy đầu tiên của ông Miura trong buổi tập cùng đội khiến nhiều cầu thủ trầm trồ, thì sự nghiêm túc và kỷ luật, đặc biệt là cách đánh giá các cầu thủ rất khoa học, khắt khe qua từng buổi tập lại khiến các cầu thủ thực sự nể sợ. Không còn tồn tại khái niệm “ngôi sao” ở đội tuyển, mọi cầu thủ được đối xử như nhau, bất kỳ đều có thể bị loại hoặc ngồi dự bị. Chỉ vài ngày, đương kim Quả bóng vàng Việt Nam bị loại, tiếp đó là một loạt những ngôi sao mà trước đó gần như chiếm 1 suất không thể thay thế cũng bị trả về CLB.
Đến ngay cả khi bước vào giải, khái niệm ấy tiếp tục được thực thi, cả ở đội U23 lẫn ĐTQG, điều đó càng khiến các cầu thủ chỉ còn biết cách duy nhất là tập và tập.
Triết lý bóng đá của HLV Miura cũng khác biệt hoàn toàn so với các HLV trước đó dẫn dắt ĐTVN. Chỉ vài tháng, người ta được chứng kiến một đội tuyển vốn có điểm yếu lớn nhất là thể lực đã trở thành điểm mạnh nhất. Sức mạnh ấy kết hợp với kỹ thuật và tinh thần đã giúp cho ĐT U23 tạo nên lịch sử khi đá bại Iran ở Asiad.
Mặc dù bị loại đáng tiếc ở AFF Cup, nhưng màn trình diễn của ĐTVN ở giải đấu này là đáng khen ngợi, đặc biệt là HLV Miura đã truyền đến cảm hứng kéo khán giả quay trở lại với bóng đá Việt Nam.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao, cho đến lúc này dù được danh hiệu nào cùng bóng đá Việt Nam, thì ông Miura vẫn giành trọn trái tim người hâm mộ cũng như niềm tin của giới chuyên môn.
- Huyền thoại của Consadole Sapporo: Chức vô địch J.League 2 mùa giải 2007 có được dưới sự dẫn dắt của HLV Miura là thành quả cao nhất trong lịch sử CLB. Trước khi rời Conssadole Sapporo ông Miura để lại câu chuyện đáng nhớ với chiếc cà vạt được treo sau cầu môn của đội nhà. Ở trận đấu cuối cùng mùa giải 2007-2008, ông lấy chiếc cà vạt của mình, treo ở sau khung thành đội nhà và nhắn nhủ với các học trò: “Dù tương lai ngày mai của tôi có như thế nào, tôi luôn chúc các bạn thành công. Hãy cố gắng đừng để chiếc cà vạt này rớt xuống trong trận đấu hôm nay”.
Các cầu thủ CLB Consadole Sapporo đã có một ngày thi đấu quả cảm để không cho chiếc cà vạt rơi xuống đất, đồng nghĩa việc đội không thủng lưới. Câu chuyện chiếc cà vạt treo sau khung thành của HLV Miura trở thành huyền thoại không chỉ tại CLB mà còn ở cả bóng đá Nhật Bản.
- Gia đình có truyền thống … bóng chày: Cha của HLV Miura là cầu thủ bóng chày của CLB Nippon Steel Kamaishi, một đại gia của làng bóng chày Nhật Bản. Hồi nhỏ, ông Miura tập cả bóng đá lẫn bóng chày.
-Bình luận viên bóng đá: Nghề tay trái của HLV Miura trước khi đầu quân cho bóng đá Việt Nam là bình luận viên cho đài truyền hình NHK (Nhật Bản). Với kiến thức bóng đá tiếp thu ở Châu Âu, HLV Miura là một trong những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về Bundes Liga, Seri A, Hà Lan. Ở World Cup 2010, ông Miura cũng có mặt ở Nam Phi với vai trò bình luận bóng đá của đài NHK bình luận trực tiếp ngay tại sân.