Nha bao Tran Dang Tuan

Nhà báo Trần Đăng Tuấn

Ấn tượng về bác Tuấn, không chỉ là một "Tiến sĩ từ quan", mà còn là một tấm lòng đam mê và miệt mài đóng góp cho đời bằng các công tác từ thiện.

đề cử we choice awards

  • Bình chọn 10 nhân vật truyền cảm hứng năm 2014 0
  • Câu chuyện về người "Tiến sĩ từ quan"

     

    May mắn cho tôi, cụ thân sinh lại có "mối quan hệ" với bác Tuấn - gắn bó chả phải, liên đới cũng không, phải nói là những mối quan hệ thân tình với nhau ở cái tuổi mà người ta sống bằng tình người ấy. "Chợt nghe Tiến sĩ từ quan", là bài viết năm 2010 của cụ nhà tôi khi ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc thường trực Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vừa gửi đơn từ chức lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cụ tả lại những kỷ niệm, những chi tiết độc đáo về một người tài "Mới tứ thập nhưng Tuấn đã chững chạc ở vị thế Phó Tổng Đài THTW", về một người có công lớn cho ngành truyền hình Việt Nam nói chung và cho VTV nói riêng, nhưng vẫn từ quan để "tự mình gắng làm chức phận minh chủ".

    Vào một tối muộn lắm, cụ nhà tôi về muộn như mọi khi với cái nghề bôn ba con chữ của cụ. Về cùng là một bác còn trẻ, đeo cặp kính đằng sau là đôi mắt tinh anh, vóc dáng nhanh nhẹn và dễ gần lắm. Hai cụ đàm đạo chén rượu khiến thứ hóng hớt như tôi háo hức ngồi cạnh. Bác cầm tay tôi hỏi "Con gái bố Ba đấy à?". Sau đấy tôi mới biết cái bác ấy "to" ngang Thứ trưởng. Cái tên Trần Đăng Tuấn - trong tôi vẫn mường tượng ra một ông sếp to cao, bệ vệ và xa cách. Nhưng không phải như vậy. Con người này nhỏ nhẹ, cởi mở nhưng luôn toát lên vẻ gì đấy nghiêm túc.


    Trong cái tối muộn ấy, bác Tuấn hỏi tôi nhiều về công việc. Và bác cũng vui vẻ nói về hai dự án truyền hình đang được xây dựng trong tương lai mà bác tâm huyết. Tôi nghe như nuốt từng lời, vì cuộc đời trẻ dại của mình chắc gì tôi được ngồi với một "yếu nhân" như thế.

    Chỉ một thời gian ngắn sau, tôi nghe báo đài nói bác Trần Đăng Tuấn đã rời ghế Phó Tổng Giám đốc VTV. Đã từ "quan".

    Chuyện chính trị, thì cái thứ như tôi sao dám bàn đến. Nhưng tôi cứ nhớ mãi buổi tối ấy, một người thầy đã đóng góp rất nhiều cho ngành truyền hình Việt Nam, đến phút sắp rời bỏ tất cả vẫn đau đáu về những chương trình truyền hình của Đài. 

     

    Nhà báo Trần Đăng Tuấn và Chương trình "Cơm có thịt"

    Sau đó, cái tên Trần Đăng Tuấn càng trở nên ấn tượng hơn vì những đóng góp cho xã hội bằng công tác từ thiện. Chúng ta ắt hẳn biết đến chương trình từ thiện "Cơm có thịt", nhưng có lẽ ít ai biết cái bác "ngang hàng Thứ trưởng" có nụ cười hiền hậu sau cặp kính ấy đã tự bỏ tiền túi, vận động bạn bè lên miền núi phía Bắc để truyền tình người ấm áp cho những đứa trẻ vùng cao tội nghiệp. Chuyện bác Tuấn làm từ thiện, mà lại còn làm "hẳn hoi" ra ngô ra khoai: bác sáng lập Group Cơm Có Thịt trong chương trình dài hạn "Cơm có thịt" cho trẻ con vùng cao, đến nay thu hút gần 18 nghìn thành viên trên mạng xã hội và hàng trăm thành viên trong "Đại gia đình" thường xuyên rong ruổi không chỉ các vùng cao khó khăn của miền Bắc để đem lại sự ấm áp cho những đứa trẻ thiếu thốn, còi cọc, "môi tím chân trần" giữa giá lạnh, mà còn phủ sóng sang tận các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Úc, thậm chí cả quốc gia với cộng đồng người Việt bé nhỏ như Ireland... - khiến tôi thầm nghĩ,  thật không lạ khi tôi lại kính trọng một người như thế. 

     

     Bác Tuấn với trẻ em vùng cao trong chương trình từ thiện


    Yếu nhân tầm cỡ ngày nào, sẵn sàng "từ quan" nhưng không ngần ngại lăn lộn để sống cùng cái khổ của những đứa trẻ vùng cao ở nào Lai Châu, Điện Biên, nào Hà Giang, Lào Cai... Người ta bảo làm từ thiện là một cách để bớt đi những vận hạn, hay hạn chế tính cách tai quái trong mỗi bản ngã. Nhưng với bác Tuấn, tôi tin việc đem lại những bữa ăn "có thịt" cho trẻ vùng cao lại là cái tâm nặng trĩu tình người.

     

    Năm 2011, Trần Đăng Tuấn chia sẻ bài viết Hôm nay đi Suối Giàng, kể lại chuyến đi lên xã vùng cao Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cả đoàn ghé thăm Trường Tiểu học dân nuôi Suối Giàng, chứng kiến cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn của 80 học sinh tiểu học và 45 học sinh trung học cơ sở trong khu nội trú. Ở đây, mỗi em một tuần chỉ có 2 cân gạo và 5 nghìn đồng do cha mẹ đóng góp. 80 đứa trẻ, chỉ vỏn vẹn 1 nồi cơm và bó rau cải héo vàng để nấu canh - không mắm muối chứ đừng nói chi đến thịt. Bác Tuấn và bạn bè đã đóng góp ngay để hàng tháng sau, trong bữa cơm của các em nhỏ được ăn thêm thịt. 


    Sau chuyến đi đó, bài viết về Suối Giàng của bác Tuấn đã khiến những trái tim thiện nguyện xúc động thực sự. Trước tấm lòng ấm áp rộng lớn, bác sáng lập nhóm Cơm Có Thịt trên Facebook, mở tài khoản để nhận và chuyển những đóng góp cho các Bữa cơm có thịt của trẻ vùng cao. Ngay lập tức, chương trình này nhận được đông đảo sự ủng hộ của hàng nghìn người. Thông tin trên trang fanpage Cơm Có Thịt cho hay: "Đến 9/2012, tài khoản Cơm có thịt đã nhận được trên 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng) tiền ủng hộ. Sau Suối Giàng, Cơm có thịt lan dần đến các vùng khác. Đến bây giờ đã có gần 50 trường học nhận tiền mua thịt cho học sinh và hơn 5000 em nhỏ hiện trong danh sách được hỗ trợ". Đến nay, "Cơm có thịt" đã lan tỏa tới cộng đồng người Việt ở Singapore, Nhật Bản, Thụy Điển, Mỹ... và nhiều quốc gia khác. 

     


    Fanpage Cơm Có Thịt được khởi động từ ngày 29 tháng 9 năm 2011


    Giờ thì cái tên Trần Đăng Tuấn đã gắn liền với kênh truyền hình An Viên, bác hiện đang đương nhiệm Tổng Giám đốc AVG - Truyền hình An Viên, nhưng tôi - và nhiều người khác vẫn thích gọi bác với danh xưng Nhà báo phía trên hơn: Nhà báo Trần Đăng Tuấn. Ông nhà báo có nụ cười hiền, thân cận, đôi mắt tinh anh sau cặp kính, và đằng sau cả vóc dáng bé nhỏ ấy là một tấm lòng “Có thịt” nặng trĩu tình người, để bát cơm của những đứa trẻ vùng cao mà bác tả “Môi tím chân trần” ấy, không còn trắng nhờ nhờ và nhạt thếch nữa.

bình luận

Thông tin

  • Năm sinh: 5-10-1957
  • Quê quán: Nam Định
  • Thành tích: Hiện tại ông đang tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp trẻ em vùng cao tới trường thông qua chương trình: Cơm Có Thịt từ năm 2011.

photo

các đề cử khác