Nhà thủ lĩnh môi trường trẻ đầu tiên tại Việt Nam
Chưa bao giờ cầm trên tay tấm bằng đại học và dường như cũng chưa bao giờ quan tâm đến việc sở hữu nó, Hoàng Đức Minh đã chứng tỏ cho nhiều người thấy rằng bằng cấp với anh chàng này không có quá nhiều ý nghĩa đến như thế. “Chỉ cần bạn đủ năng lực thì bạn sẽ luôn có thể nuôi sống được bản thân và thậm chí là nuôi cả người khác” - Minh chia sẻ.
Là cựu học sinh khối chuyên Sinh trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên, Hoàng Đức Minh vốn đã quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường. Minh tham gia hoạt động xã hội từ rất sớm. Những thế hệ đầu 9x như Minh mà làm tình nguyện từ khi còn học cấp 2 vốn là một trường hợp hiếm hoi. 11 tuổi, Hoàng Đức Minh bắt đầu tham gia vào những chuyến thực địa tại các rừng quốc gia, dịch thuật các bài báo về môi trường. 17 tuổi, Minh là TNV xuất sắc trong chiến dịch Sắc Xanh Tự Nhiên 2007.
Bước ngoặt ở tuổi 18, Hoàng Đức Minh tham gia thực tập tại trường ĐH Hawaii, Mỹ và rồi chợt nhận ra, chưa có tổ chức thanh niên nào hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, cuối năm 2008, Minh thành lập tổ chức RAECP (chương trình nâng cao nhận thức về Môi trường và Biến đổi khí hậu), giữ vai trò giám đốc khi mới 18 tuổi. Minh đã xác định sẵn trong mình con đường đi cho tương lai, chính là lấy hoạt động xã hội, hoạt động về môi trường làm kim chỉ nam trên chặng đường còn nhiều gian nan ấy.
Đỗ vào ĐH Thủy Lợi, một ngôi trường mà theo Minh, cậu sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu về môi trường. Nhưng rồi anh chàng năng động này nhận ra, chính những trải nghiệm bên ngoài mới đưa lại cho Minh kinh nghiệm và cảm hứng để bắt tay vào công cuộc, nói là “cứu lấy nhân loại” thì to tát quá. Nhưng quả thật, những điều mà Hoàng Đức Minh làm, luôn khiến người ta chỉ thốt lên được hai chữ: Đáng nể.
Người ta vẫn thường gọi Hoàng Đức Minh là Minh “môi trường”, một phần là bởi Minh được mệnh danh là chàng trai của những sự kiện môi trường thế giới. Minh có hàng chục chuyến đi tới Singapore, Malaysia, Philippines, Tây Ban Nha, Đan Mạch,… Với những đóng góp trong lĩnh vực môi trường, Minh được chọn là đại biểu tham gia Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Copenhagen cuối năm 2009. “Ở đâu có diễn thuyết, hội thảo về môi trường, ở đó có Hoàng Đức Minh” chính là câu mà “dân trong ngành” vẫn kháo nhau. Cũng phải thôi, một năm, Minh không bao giờ có dưới 10 chuyến đi tới các tỉnh, thành phố để tham gia giảng dạy, nói chuyện về Biến đổi khí hậu và môi trường, chưa kể việc “xuất ngoại”, tham dự các hội thảo quốc tế.
Nếu nói đến đây đã đủ cho bạn “ồ, à” về Hoàng Đức Minh thì những điều chúng tôi sắp kể ra dưới đây, sẽ khiến bạn ngạc nhiên hơn nữa về thủ lĩnh môi trường đầy năng động, nhiệt huyết và đam mê.
Chàng trai của những thương hiệu nổi tiếng về môi trường
Nói về Hoàng Đức Minh, bên cạnh RAECP, anh chàng này còn đóng dấu tên mình trên những dự án, thương hiệu, khẩu hiệu nổi tiếng về môi trường. Có thể kể đến như: Tôi ghét nylon, Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững, phong trào 350 quốc tế, chiến dịch Kết nối bàn tay sinh thái cùng Thế hệ xanh, đại sứ môi trường Bayer 2009 và đặc biệt là chương trình Earth Song hàng năm, được tổ chức trước thềm giờ Trái Đất - một hoạt động góp phần tạo nên cái tên Minh "môi trường" một thời.
Năm 2014, sau hơn 1 lần bảo lưu kết quả học tập, Hoàng Đức Minh quyết định… bỏ học Đại học để theo đuổi đến tận cùng những công việc mình đang làm. Một quyết định táo bạo của chàng trai 24 tuổi khiến không ít người cảm thấy vừa nể, vừa sợ. Người ta bảo Minh “Sao mà liều thế”. Nhưng nếu nhìn thấy những gì Hoàng Đức Minh làm được trong năm 2014, có lẽ cái liều đó đã được đền đáp xứng đáng.
Người lan tỏa những giá trị sống tử tế
Được truyền cảm hứng từ chiến dịch sống Tử tế - phát động bởi Viện nghiên cứu Kinh tế, Môi trường xã hội iSEE, Tháng 9/2014, Hoàng Đức Minh cùng tổ chức hành động vì môi trường (A4F), đã đưa ra một thách thức cho cộng đồng làm điều tử tế. Chiếc vòng có dòng chữ “Tôi chọn tử tế” cứ thế truyền tay nhau, mỗi người nhận chiếc vòng sẽ làm một điều tử tế và đưa chiếc vòng cho những người mà họ tin rằng cũng sẽ cam kết làm điều tương tự. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 700 câu chuyện được chia sẻ lại và 300 lượt chuyển vòng. Đó là một hành động nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, lan tỏa những giá trị sống tử tế từ việc đơn giản nhất. Minh nói: “Chúng tôi muốn mọi người suy nghĩ về giá trị sống tử tế, từ đó cố gắng thúc đẩy họ hành động theo giá trị sống tử tế mà họ tự định nghĩa và cuối cùng là làm cho xã hội tử tế hơn”. Đúng vậy, làm cho xã hội tử tế hơn chính là điều ai cũng mong mỏi, nhưng không phải ai cũng biết cách và dám bắt tay vào làm một điều gì đó, giống như Hoàng Đức Minh.
Bởi thế mà tôi cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi Hoàng Đức Minh lọt vào top 30 người trẻ dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất năm 2014 do tạp chí Forbes bình chọn. Minh còn tham vọng sẽ đưa trang web tutela.vn trở thành trang mạng xã hội lớn nhất Việt Nam cung cấp thông tin cho những người quan tâm tình hình về các hoạt động xã hội hiện nay trên cả nước. Đây sẽ chẳng phải là mơ ước viển vông đâu, bởi tôi tin với những thứ mà Minh đã, đang, sẽ làm, theo đuổi, tôi tin, vị thủ lĩnh này sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường “giải cứu môi trường”, lan tỏa sự tử tế mà Minh đã chọn